Thi đua khen thưởng - một nét văn hóa Petrolimex Quảng Trị

 08:29 SA @ Thứ Năm - 23 Tháng Giêng, 2020

Mùa xuân đã gõ cửa từng nhà. Khắp phố phường đã thấy nhộn nhịp, tưng bừng, rộn rã nào cờ, nào hoa, nào băng rôn, khẩu hiệu, nào trang hoàng, nào dọn dẹp khiến con người cứ nôn nao. Mùa xuân Canh Tý 2020 này đối với người lao động Công ty Xăng dầu Quảng Trị - dù đang làm việc hay đã nghỉ hưu - cũng có chung một niềm vui đầy ý nghĩa - Công ty sẽ tròn 30 tuổi vào ngày 10.2.2020.

Trong những ngày này, Công ty Xăng dầu Quảng Trị cũng như các doanh nghiệp khác, phần thì tất bật chuẩn bị lương, thưởng, phúc lợi, lo đời sống cho người lao động, lo công tác đền ơn-đáp nghĩa, an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo, người khó khăn hoạn nạn có một cái tết Nguyên đán ấm áp đang đến sớm so với hàng năm; phần thì là tổ chức Hội nghị người lao động để tổng kết công tác năm cũ, triển khai nhiệm vụ năm mới theo Quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Một trong những nội dung quan trọng của công tác chuẩn bị cho phần việc thứ hai là công tác thi đua khen thưởng.

Năm 2020 này, chúng ta kỷ niệm 72 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và chúng ta cũng không quên tư tưởng, lời dạy, hành động thực tiễn của Người về công tác thi đua ái quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mời thành công”. Nói trong phạm vi nhỏ hơn là trong một doanh nghiệp thì thưởng phạt cũng phải đúng đắn mới mong doanh nghiệp phát triển. Nhưng áp dụng lời dạy của Bác vào thực tiễn cũng không hề đơn giản bởi như có vĩ nhân đã nói “lý thuyết thì màu xám, còn cây đời thì mãi xanh tươi”.

Bác Hồ từng nói “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Chúng ta ai cũng biết: “Miếng giữa làng bằng sàng xó bếp”, “của cho không bằng cách cho”. Khen thưởng là “miếng giữa làng”, bao hàm giá trị tinh thần, là vinh dự cá nhân, là sự thừa nhận, tôn vinh của người khen thưởng đối với người được khen thưởng. Đối với Petrolimex, người khen thưởng khi đó không chỉ nhân danhcá nhân người đó mà đại diện cho một tổ chức để thừa nhận sự cống hiến, sự cố gắng, sáng tạo, hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của người được khen thưởng. Sự cống hiến của mỗi người cần được đánh giá đúng và đền đáp xứng đáng, được tôn vinh, chứ không phải là một cách để doanh nghiệp ban ơn, thể hiện là mình có tổ chức phong trào thi đua hoặc để “đánh bóng” cho doanh nghiệp.

Vì vậy, khen thưởng đúng tự thân nó là một “máy cái” tạo động lực cho người lao động và ngược lại nếu khen thưởng không đúng sẽ tạo ra sự bất mãn, không hài lòng, mất đoàn kết, tạo lực cản đối với sự phát triển.

Tôi nhớ có lần, lúc tổng kết công tác thi đua khen thưởng, một cửa hàng được khen thưởng về thành tích bán dầu mỡ nhờn phuy thùng; Sau hội nghị, chị Hoàng Thị Hoa (Chủ tịch kiêm Giám đốc từ 5/2012 - 7/2019) gọi điện cho tôi và anh Nguyễn Ngọc Sơn - Phòng Kinh doanh tổng hợp yêu cầu kiểm tra lại ngay số liệu tổng hợp kết quả kinh doanh mặt hàng dầu nhờn vì có phản ánh của anh em cửa hàng việc khen thưởng cho cửa hàng đó là chưa chính xác, nên anh em thắc mắc. Tôi và anh Sơn lúc đó đang say say với mấy cốc bia mừng hoàn thành kế hoạch bỗng tỉnh hẳn vì lo, bụng bảo dạ “...phen này thì toang rồi ông Phát ơi!...” và tức tốc về cơ quan lên máy tính kiểm tra lại số liệu. Thở phào nhẹ nhõm vì số liệu vẫn chính xác, lập tức báo cáo lại cho sếp rằng anh em làm số liệu rất cẩn thận để phục vụ cho công tác thi đua khen thưởng. Hú vía! Ở Công ty, lãnh đạo luôn yêu cầu các cán bộ nghiệp vụ phải chuẩn xác trong số liệu thi đua. Tôi nhắc đến chi tiết này vì phải nói rằng số liệu thi đua khen thưởng về dầu mỡ nhờn làm có phức tạp hơn do sự đa dạng về chủng loại, mặt hàng, bao bì và phần mềm tin học chưa quy đồng được đơn vị tính khối lượng. Chính sách khoán về dầu mỡ nhờn cũng vậy. Mỗi cửa hàng có vị trí địa lý khác nhau, sẽ có lợi thế thương mại khác nhau đối với các chủng loại dầu mỡ nhờn. Do vậy chỉ riêng việc khoán sản lượng cho phù hợp thực tế để người lao động yên tâm phấn đấu, để số liệu khoán không phải là con số cứng nhắc dựa trên một phép toán nhân sản lượng thực hiện kỳ trước với một tỷ lệ tăng trưởng được ấn định nào đó thôi cũng đã rất “đau đầu”.

Các cuộc họp xét thi đua khen thưởng hàng năm hầu như bao giờ cũng kéo dài hơn một ngày để đảm bảo chất lượng của công tác này. Nhiều cuộc họp phải mua cơm hộp ăn trưa tại chỗ để kịp tiến độ vì thời điểm xét khen thưởng là thời điểm “nhà bao việc”. Trong mỗi cuộc họp ấy, các số liệu được phân tích dựa trên tình hình khách quan, chủ quan để đưa đến kết quả. Ai gặp khó khăn khách quan thì được giảm trừ mẫu số so sánh. Có nhiều cửa hàng năng suất rất cao, thậm chí cao nhất Công ty, nhưng tỷ lệ tăng trưởng thấp, theo quy định chung thì lại không được khen thưởng hoặc có nhiều cửa hàng có tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ rất cao, nhưng năng suất lao động thấp và trong thực tiễn chưa thấy yếu tố về sự cố gắng chủ quan của cá nhân/tập thể đơn vị để tạo nên kết quả ấy làm lãnh đạo Công ty băn khoăn, suy nghĩ, cân nhắc. Nên dù đã có các tiêu chí khen thưởng rất rõ ràng đặt ra trước đó, nhưng Hội đồng thi đua khen thưởng vẫn phải làm việc cẩn trọng, băn khoăn đặt câu hỏi: phải chăng công tác khoán của mình chưa sát, hoặc các yếu tố chủ quan, khách quan chưa được đánh giá toàn diện? để nhằm đảm bảo sự công bằng trong thi đua khen thưởng. Vấn đề này có lẽ anh Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty đương nhiệm là người trải nghiệm nhiều nhất khi gần 30 năm nằm trong Hội đồng thi đua khen thưởng Công ty với nhiều vai trò thành viên/thành viên thường trực và nay là Chủ tịch hội đồng.

Bữa cơm trưa tại chỗ của một cuộc họp Hội đồng Thi đua khen thưởng

Hoặc trong hội nghị triển khai nhiệm vụ, nghe dự luận anh em bảo “kỳ này nhìn bản khoán là biết cuối năm ông nào lên bắt tay dặc dặc” (phương ngữ Miền Trung có nghĩa là bắt tay giật giật khi trao thưởng) là lãnh đạo Công ty lại thấy băn khoăn liệu Công ty giao khoán đã tính đầy đủ các yếu tố khách quan, chủ quan cho các đơn vị, cho người lao động chưa, có mang tính áp đặt tạo thuận lợi cho đơn vị này, khó khăn cho đơn vị kia không?

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng nghe - thậm chí nhiều lần - một câu nói phổ biến trong đời sống: “đường sữa phát từ trên xuống, cuốc thuổng phát từ dưới lên” trong phân phối vật chất cũng như trong công tác thi đua khen thưởng. Đúng là nhiều cơ quan, doanh nghiệp xảy ra phổ biến tình trạng này. Nhà nước cũng đã ban hành văn bản để hạn chế tình trạng này, trong đó quy định một tỷ lệ tối thiểu khen thưởng phải có dành cho người lao động trực tiếp. Rất vui là các thế hệ lãnh đạo Công ty đã rất nhân văn và hướng đến người lao động trực tiếp trong công tác thi đua khen thưởng. Không chỉ khen thưởng động viên tinh thần chung chung mà còn đề xuất khen thưởng lên cấp cao, tạo điều kiện và thưởng trực tiếp cho người lao động bằng thu nhập, bằng các chuyến tham quan du lịch trong và ngoài nước. Có nhiều người lao động tâm sự đó là một trải nghiệm tuyệt vời của bản thân trong quá trình làm việc khi họ đạt đến tầng thứ tư của Tháp nhu cầu Maslow - “được tôn trọng”.

Bước chân vào làm việc tại Công ty, từ khi là chuyên viên rồi Phó trưởng Phòng Tổ chức hành chính, Phó Trưởng Phòng kinh doanh, Trưởng Phòng kinh doanh, tôi là người thường được giao phân tích, tổng hợp, chuẩn bị số liệu thi đua khen thưởng. Biết yêu cầu của lãnh đạo Công ty, các biểu số liệu thường được tôi cũng như anh em các phòng nghiệp vụ chuẩn bị chu đáo, được kết cấu với rất nhiều tham số, chỉ tiêu so sánh tương đối, tuyệt đối, nhằm thể hiện được nhiều góc nhìn nhất về kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị cũng như các cá nhân.

Nhân nói về việc sử dụng các chỉ tiêu, các tham số trong đánh giá thành tích, tôi nhớ người tiên phong trong việc đưa các trng số để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị là anh Nguyễn Văn Tiếu (thời còn làm Trưởng Phòng Kinh doanh) trên cơ sở yêu cầu của lãnh đạo Công ty và sau này được các anh em làm công tác khoán, công tác thi đua khen thưởng hoàn thiện thêm nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp từng thời kỳ. Thời còn xem xăng dầu là mặt hàng chính, các sản phẩm dịch vụ của Petrolimex khác là mặt hàng phụ, thì trọng số đánh giá sẽ khác. Bước vào thời kỳ tất cả các sản phẩm, dịch vụ của Petrolimex đều là kinh doanh chính, để thúc đẩy kinh doanh các mặt hàng, Công ty đã sử dụng biện pháp điểm trọng số theo mục tiêu cùng các giải pháp về chính sách kinh doanh, tiền lương, thi đua khen thưởng để động viên người lao động phấn đấu.

Riêng Hội đồng thi đua khen thưởng cũng ngày càng có sự kết cấu thành phần cho phù hợp. Như thời kỳ đầu thì chỉ có Ban Giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính, đến nay thì đã mở rộng thành phần đến tất cả các phòng nghiệp vụ để có cái nhìn đa chiều và tổng hợp nhằm đánh giá thành tích một cách khách quan và toàn diện nhất.

Lúc Công ty phát động đợt cao điểm thi đua kinh doanh dầu mỡ nhờn vào năm 2013 nhằm đưa việc kinh doanh dầu mỡ nhờn Petrolimex của Công ty sang một giai đoạn mới, anh Nguyễn Văn Đức - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Hóa dầu Petrolimex (mạn phép nói vắng mặt anh) đánh giá rất cao về quy trình và giải pháp tổ chức thực hiện lúc đó do chị Hoàng Thị Hoa (Chủ tịch kiêm Giám đốc giai đoạn 5/2012-7/2019) triển khai: Đào tạo nhân lực - Học hỏi kinh nghiệm đơn vị thực hiện tốt - Nghiên cứu thị trường - Chính sách kinh doanh - Tạo động lực làm việc. Nhắc đến chuyện động lực làm việc và tạo động lực làm việc, thì có nhiều câu chuyện được kể ra tại Hội nghị sơ kết thi đua đợt ấy và một trong những câu chuyện là hình ảnh anh Lê Văn Kiều (lúc ấy là Cửa hàng trưởng Petrolimex - Cửa hàng 10, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông) trong trưa hè nóng nực, vận chuyển 02 hộp dầu nhờn lon đi hàng chục km đường miền núi đến cho khách hàng thì bị hỏng xe giữa đường phải đẩy bộ và nhờ khách hàng hỗ trợ. Sự quan tâm, động viên, tấm chân tình của người “Giám đốc cũng ra quân” đã tạo nên động lực cho những người lao động như anh Lê Văn Kiều dấn thân. Và cảm cái tinh thần nhiệt huyết ấy của người lao động Petrolimex Quảng Trị mà khách hàng đã tin cậy và hợp tác.

Giao ước thi đua

Học hỏi kinh nghiệm các đơn vị thực hiện tốt về kinh doanh, nhưng lãnh đạo Công ty cóp nhặt một nơi một ít điều hay để áp dụng phù hợp với thực tiễn đơn vị, không tạo gánh nặng cho người lao động về chỉ tiêu khoán. Có thể nói, ngoài các giải pháp về chính sách kinh doanh, về thị trường thì chính việc tạo động lực đúng của doanh nghiệp đã tạo nên sự tăng trưởng tốt trong kết quả kinh doanh những năm vừa qua.

“Để tiến xa hơn”

Trong cuộc sống khó có cái gì là hoàn hảo, mà chỉ cố gắng hướng đến sự trọn vẹn trong khả năng có thể. Công tác thi đua khen thưởng cũng vậy, không thể tất cả mọi người đều hài lòng vì mỗi người ai cũng có nhu cầu riêng, góc nhìn riêng mà đôi lúc nhu cầu và góc nhìn đó không đồng điệu với tập thể. Hội đồng thi đua khen thưởng cũng có lúc đánh giá chưa hết thành tích của các tập thể và mỗi người lao động. Nhưng với trải nghiệm của mình, tôi tin rằng công tác thi đua khen thưởng tại Công ty Xăng dầu Quảng Trị được xuất phát từ cái tâm trong sáng với mục tiêu tạo động lực cho người lao động phát triển trên nền tảng đánh giá đúng, khen thưởng đúng.

Tôn vinh người lao động

Đầu năm mới, một chút tản mạn về công tác thi đua khen thưởng (ít thôi vì sợ mọi người nói tôi dông dài) lượm lặt được trong hai mươi mấy năm công tác tại Petrolimex Quảng Trị. Tôi thấy nó như sợi dây vô hình gắn kết mỗi con người lại với nhau, mỗi con người với tập thể. Những nụ cười rạng rỡ khi lên nhận phần thưởng, những nét mặt đăm chiêu hoặc buồn buồn khi kết quả kinh doanh chưa được như mong muốn của mỗi một người lao động, của mỗi một người đứng đầu bộ phận là sự phản ánh một cách chân thực, rõ ràng ý thức trách nhiệm, sự gắn bó với công việc, với doanh nghiệp của người lao động.

Cũng từ công tác thi đua khen thưởng - tưởng chừng như không to tát ấy - đã toát lên ánh sáng văn hóa của những con người Petrolimex: “trách nhiệm, nhiệt huyết, lạc quan, tin cậy”. Ở Petrolimex Quảng Trị tôi đã thấy giá trị văn hóa ấy. Mỗi con người Petrolimex Quảng Trị khi “trách nhiệm, nhiệt huyết, lạc quan” thì sẽ được “tin cậy”, sẽ được thừa nhận, được tôn vinh, đền đáp xứng đáng, không phân biệt vị trí việc làm, thứ bậc trong doanh nghiệp. Công tác tổ chức cán bộ cũng từ nhân tố điển hình trong các phong trào thi đua khen thưởng ấy mà ra. Sự “tin cậy”, thừa nhận, tôn vinh của tập thể cũng chính là động lực cho mỗi người vươn lên cống hiến vì doanh nghiệp như người xưa thường nói: “quân tử chết vì người tri kỷ”.

Và chính điều này như một biện chứng khách quan tạo nên tinh thần đoàn kết, lòng tin về sự công bằng, về giá trị bản thân của mỗi con người Petrolimex Quảng Trị. Và đây cũng chính là nội lực, là sức mạnh tinh thần của đội ngũ những người Petrolimex làm việc trên mảnh đất còn nhiều gian khó nhưng nặng nghĩa tình - Quảng Trị.

...Ngoài kia, hòa vào niềm tin trong tôi và mỗi người lao động Petrolimex Quảng Trị - niềm tin về văn hóa tốt đẹp của doanh nghiệp - là tiết tấu rộn ràng của bài hát “Mùa xuân ơi”của nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện “...xuân xuân ơi... xuân đã về.....” như một lời chào mừng kỷ niệm Công ty Xăng dầu Quảng Trị tròn 30 xuân xanh.

Quảng Trị, tháng 01 năm 2020

Nguồn:  Nguyễn Quang Phát  -  Phó Giám đốc
Petrolimex Quảng Trị