Ngày 13/3 được chọn là ngày truyền thống ngành xăng dầu Việt Nam. Trong dịp này, CBCNV- người lao động cả nước đã có nhiều hoạt động hướng về lễ kỷ niệm. Nhân dịp này, chúng ta hãy lắng nghe người lao động tại Công ty Xăng dầu Quảng Trị tự hào nói lên cảm nghĩ về ngành nghề của họ.
Anh Nguyễn Lội- Cửa hàng trưởng Cửa hàng trưởng Cửa hàng Xăng dầu số 21
CôngThương - Cách đây 85 năm, vào ngày 13/3/1928, tại Hải Phòng đã diễn ra cuộc bãi công của công nhân Sở dầu Thượng Lý chống lại chủ sở, đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc. Cuộc bãi công thắng lợi và được xem như dấu son mở đầu truyền thống bất khuất của công nhân xăng dầu. Vì thế năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13/3 hằng năm là "Ngày truyền thống ngành Xăng dầu Việt Nam".
Anh Nguyễn Lội- Cửa hàng trưởng Cửa hàng Xăng dầu số 21(xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng (Quảng Trị):
Cách cửa hàng chúng tôi khoảng 2km có một cửa hàng thuộc doanh nghiệp khác, họ tìm mọi cách khuyến khích người mua xăng dầu, như người nào đổ xăng dầu được trừ 100 đồng/lít, như vậy, giá bán của họ thấp hơn chúng tôi. Là cửa hàng của doanh nghiệp nhà nước, nhất là mang thương hiệu Petrolimex chúng tôi không thể làm thế, nên lấy thái độ phục vụ tận tình, với số lượng, chất lượng cao làm uy tín để “đi vào lòng khách hàng”, tất cả vì thương hiệu Petrolimex. Vì thế, cửa hàng chúng tôi là một trong những cửa hàng đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch công ty giao.
Là công nhân bán xăng dầu trực tiếp, chúng tôi phải chịu áp lực mỗi khi xăng dầu tăng giá. Vì trước tăng giá, các cửa hàng của doanh nghiệp tư nhân tìm mọi cách dừng bán, mọi nhu cầu dồn về cửa hàng của chúng tôi, mà khi đó càng bán nhiều thì càng lỗ. Trong khi nhiều người dân không hiểu tưởng tăng giá xăng là chúng tôi lãi to.
Làm công việc này, nhân viên cửa hàng xăng dầu phải xác định, nghề bán xăng dầu là một nghề phức tạp, có cả nguy hiểm khi phải tiếp xúc với mọi đối tượng như say xỉn, nghiện ngập, thậm chí cả trộm cướp rất nguy hiểm vì phải làm cả ngày lẫn đêm.
Nhưng dù vất vả, thu nhập lại không cao nhưng chúng tôi luôn nhận được sự động viên của lãnh đạo công ty, quan tâm đến người lao động bằng các chính sách phù hợp… nên chúng tôi rất phấn khởi và an tâm làm việc, chúng tôi luôn giáo dục tư tưởng cho nhân viên cửa hàng thái độ phục vụ người dân tốt hơn qua các buổi tập huấn về quy tắc ứng xử với khách hàng.
Chúng tôi luôn tự hào được làm việc trong môi trường hòa đồng, một thương hiệu mạnh như Petrolimex. Chúng tôi rất tự hào về nghề nghiệp của mình, một nghề mang lại “nhịp sống cho đời”.
Anh Trần Đình Thuyên- Cửa hàng trưởng Cửa hàng Xăng dầu số 4(Đông Lương, Đông Hà - Quảng Trị):
Tất cả công nhân tại cửa hàng xăng dầu số 4 đều rất tự hào khi biết Công ty Xăng dầu Quảng Trị của mình làm việc tại một công ty nhận được cờ thi đua xuất sắc, được lãnh đạo tỉnh Quảng Trị công nhận. Tuy là công ty hoạt động trên một tỉnh đang phát triển, quy mô không lớn, nhưng chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo công ty và tạo môi trường làm việc khá thuận lợi cho chúng tôi, quan tâm từ chính sách môi trường đến chế độ phụ cấp độc hại cho người lao động. Hàng năm, chúng tôi đều được tham gia vào mọi hoạt động và phong trào của công ty… Những việc làm đó khiến công nhân xăng dầu chúng tôi cảm động, càng gắn bó với nghề nghiệp. Có nhiều tấm gương các lãnh tụ trưởng thành từ ngành xăng dầu càng khiến cho người lao động chúng tôi tự hào với ngành nghề của mình.
Anh Đậu Vũ Hoài - Nhân viên bán hàng Cửa hàng Xăng dầu số 16(Tân Thành, Hướng Hoá) - mộc mạc nói:
Hôm nay, thấy tôi chỉnh trang quần áo, con tôi hỏi: “Sao bố mặc đẹp thế”. Tôi trả lời: “Hôm nay bố dự trên công ty vì sắp đến ngày truyền thống ngành xăng dầu”. Con tôi kêu lên sung sướng: “A, ngày truyền thống ngành xăng dầu là ngày của bố, mẹ phải tặng hoa cho bố đi chứ”. Tôi rất xúc động.
Xã nơi tôi làm việc có 3 cửa hàng xăng dầu, nhưng mình là cửa hàng xăng dầu của nhà nước nên mỗi nhân viên bán hàng có khi trở thành một tuyên truyền viên, khi tăng giá xăng phải hiểu để giải thích cho người dân. Như ở cửa hàng tôi, có một khách hàng thường xuyên mỗi lần mua chỉ 25.000 đồng. Một thời gian sau khi xăng tăng giá vài lần, lượng xăng đong vào can ít đi, ông khách hàng tưởng chúng tôi bớt xén, chúng tôi phải giải thích cặn kẽ với khách hàng là xăng tăng giá thì cũng số tiền đó lượng xăng ít đi, khi giảm giá thì lượng xăng trong can lại tăng lên, khi giải thích cặn kẽ như vậy ông ấy mới hài lòng.
Là đoàn viên trẻ, nhưng chúng em luôn tự hào về truyền thống của ngành, tự hào về công ty của mình và mong mỏi công ty và Petrolimex ngày càng phát triển, tiến xa hơn.
Chị Phạm Thị Thúy Hoài: Nhân viên Cửa hàng Xăng dầu số 2 (Đông Giang, Đông Hà)
Cửa hàng xăng dầu số 2 là một cửa hàng có sản lượng bán lớn trong công ty vì nằm trên quốc lộ 1, khoảng 350 m3/tháng. Là nhân viên trong cửa hàng em rất tự hào về điều đó.
Đối với một nữ nhân viên bán hàng như em, việc bán xăng dầu phải trực đêm hôm 24/24 giờ là rất vất vả, vì phụ nữ còn nặng gánh công việc gia đình. Tuy nhiên, gia đình cũng hiểu được công việc của mình mà thông cảm.
Mặt khác, người lao động ở đây được đảm bảo mọi chính sách, thu nhập ổn định nên chúng em càng gắn bó với công ty.
Là một người lao động ở Petrolimex Quảng Trị, em luôn tự hào với thương hiệu Petrolimex, với truyền thống ngành và cảm ơn những người đi trước đã xây dựng truyền thống cho chúng em tiếp bước.
Anh Lê Văn Thiện- Nhân viên Cửa hàng Xăng dầu số 17 (Lao Bảo, Hướng Hóa, vùng giáp ranh với biên giới Lào):
Cửa hàng xăng dầu số 17 là vùng giáp biên, nên khách hàng có cả người Kinh lẫn người dân tộc. Vì thế, mỗi nhân viên ở đây cũng là một tuyên truyền viên. Mình phải làm sao cho khách hàng hiểu hơn và tín nhiệm về thương hiệu Petrolimex.
Chúng tôi khó khăn là luôn phải xa nhà, nhưng bù lại, được lãnh đạo công ty quan tâm. Những ngày lễ, tết phải xa nhà trực bán hàng, lãnh đạo công ty thường xuyên đến thăm hỏi, động viên để người lao động yên tâm làm việc. Rồi các phong trào, hội thao chúng tôi cũng luôn tham gia giao lưu với các đơn vị của công ty. Làm việc trong môi trường như thế chúng tôi thấy rất vui và tự hào về Petrolimex.