Đang bon bon trên đường, bỗng chợt thấy có gì đó sai sai thì phải: “ủa...lại đi nhầm đường rồi, đáng lẽ đi đường Hùng Vương về thẳng trụ sở thuê trên đường Lý Thường Kiệt, mình lại đi Đường 9 để rẽ về Lê Lợi”.
Một ngày đầu năm mới 2020, như bao lần khác, tôi lại nhầm đường đi làm. Ngồi lên xe, không mảy may suy nghĩ, mà trong vô thức, từ Hùng Vương tôi cứ bẻ lái qua Đường 9, rồi rẽ phải về đường Lê Lợi.
Tự cười mình vì sự lơ đễnh do thói quen đi con đường quen thuộc 26 năm qua từ nhà đến trụ sở làm việc, đâu dễ thay đổi ngay được trong ngày 1 ngày 2. Thôi nhân tiện, tự nhắc lòng mình cũng đang háo hức xem diện mạo trụ sở làm việc của Công ty xây dựng đến đâu rồi.
Đây rồi, tòa nhà 6 tầng đã thành hình sừng sững tại số 02 Lê Lợi, thành phố Đông Hà như anh chàng Phù Đổng vươn mình cao lớn trong nắng sớm. Trong lòng, niềm vui bỗng rộn rã, niềm tự hào trào dâng về một nơi quen thuộc là biểu tượng cho sự lớn mạnh của Petrolimex Quảng Trị. Trụ sở - nơi nhiều trái tim cùng chung nhịp đập, “một cõi đi về” của nhiều thế hệ CBCNV-NLĐ đã thành hình hài, kết tinh cho mong ước về sự phát triển vững mạnh của Petrolimex Quảng Trị và là điểm nhấn trong không gian kiến trúc tại thành phố Đông Hà còn rất trẻ.
Trong niềm vui, bỗng thấy bâng khuâng về những tháng ngày đã qua, một hành trình liên tục 26 năm của cuộc đời gắn bó với Petrolimex Quảng Trị, gắn bó với góc phố 02 Lê Lợi.
Ừ, mới đó mà đã 26 năm rồi. Khoảng thời gian đưa “thằng tôi” – một thanh niên trẻ, còn bỡ ngỡ với nghề, nay đã bước vào tuổi ngũ thập. Một hành trình đủ dài cho những buồn vui, kỷ niệm với đời, với nghề, với những lo toan và hân hoan mà khi nghĩ lại thấy lòng bâng khuâng nhưng đầy tự hào: 26 năm gắn bó, tức là chỉ sau thời điểm thành lập Công ty có 4 năm thôi đấy các bạn ạ.
Nhớ lại ngày nào, khi cầm quyết định nhận nhiệm vụ tại Công ty Vật tư tổng hợp Quảng Trị vào tháng 10/1995, lúc đó Công ty vừa sát nhập về trực thuộc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam với 75 CBCNV và chỉ có 2 cửa hàng xăng dầu, 2 cửa hàng vật liệu xây dựng và 1 cửa hàng gas. Trụ sở văn phòng Công ty khi đó chỉ là ngôi nhà 2 tầng nhỏ với 7 phòng làm việc. Văn phòng Công ty cũng chỉ có 2 máy vi tính: 1 cho văn thư đánh máy và một cho Phòng kinh doanh. Đội ngũ ít, cơ sở vật chất nhỏ bé, quy mô kinh doanh hạn hẹp.
Tôi nhớ, ngày làm việc đầu tiên, chưa kịp mời ai để ra mắt, thì anh Bắc chuyên viên Phòng Kinh doanh đã chủ động mời khao lính mới tại quán chị Tùng ở phía đối diện Văn phòng. Một buổi tiệc trưa nhẹ nhàng có đầy đủ các lãnh đạo Công ty, chỉ với vài chai bia, mực khô nướng và các thức ăn giản dị. Nhưng những câu chuyện làm quen ban đầu gần gũi đã giúp anh lính mới bước vào môi trường làm việc mới một cách tự nhiên, không có khoảng cách giữa “ma mới”, “ma cũ”. Tôi đã đi vào không gian văn hóa Công ty bình dị, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau giữa những đồng nghiệp ngay từ thuở ban đầu một cách nhẹ nhàng như thế.
Nhớ những ngày kiểm kê lên giá, xuống giá, kiểm kê 6 tháng, năm, hội chuyên viên Văn phòng cùng xuống cơ sở, trực tiếp cùng làm việc, cùng ăn cơm với cửa hàng tuy vất vả mà vui lắm.
Nhớ những hoạt động phong trào: thanh niên, phụ nữ, hội thi bán hàng giỏi, thể dục thể thao, giao lưu văn nghệ, tuy quần chúng thôi nhưng vui vẻ vô cùng. Có lẽ đấy là hành trang cuộc sống đáng quý của mỗi con người Petrolimex Quảng Trị.
Riêng tên các khối cửa hàng, các công đoàn bộ phận cũng nhiều kỷ niệm. Nhớ lắm những công đoàn bộ phận Hiền Lương, Thạch Hãn, Đường Chín, Bắc Cầu Đông Hà, Nam Cầu Đông Hà. Nay được thay bằng tên những con số như bộ phận 1, bộ phận 2..., tuy có ngắn gọn hơn, thuận tiện cho quản lý nhưng sao thấy thiêu thiếu chút gì cảm xúc gắn liền với những tên gọi ngày xưa ấy.
Nhớ những ngày lên giá, xuống giá xăng dầu, vì làm trưởng phòng kinh doanh, không dám vào quán nhậu, sợ mọi người đàm tiếu như có lần từng gặp rằng “chà đợt ni lên giá lời to hè, nhậu thoải mái đi, cho anh em ké với.... xuống thì nhỏ giọt, lên thì phi mã...”.Có lần như vậy, mình chỉ biết cười vì biết rằng có giải thích người ta cũng không chịu hiểu. Bước từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bao lâu rồi nhưngcòn rất nhiều người chưa thấu hiểu vai trò, trách nhiệm của Petrolimex trong nền kinh tế đất nước, vẫn nhầm lẫn về câu chuyện độc quyền xăng dầu.
Lúc khó khăn là lúc phải kiên định và tự thấu hiểu như lời bài hát “Tình ca Xăng dầu”của các tác giả Quý Điều và Lê Hàm : “...người làm xăng dầu như làm dâu trăm ngả, dẫu bao vất vả nào ai biết mấy ai hay...”. Và cũng phải biết tự trào như một khúc dân ca ngắn năm nào trong Hội thi bán hàng giỏi của Công ty:
“Ai ơi lấy vợ xăng dầu
Gội ba lần đầu vẫn cứ hôi xăng
Đêm nằm ôm chiếu ôm chăn
Vợ còn đi trực nghiến răng mà chờ”.
Một tâm sự rất thực, rất đời thường đó khiến mình đồng cảm biết bao với tâm sự của chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm, nhân viên thống kê Petrolimex-Cửa hàng 01 thuộc Petrolimex Hà Nội trong bài viết “Xăng dầu là cái nghề vất vả”.
Những người lao động ngành xăng dầu thuộc Petrolimex đã sinh nghề, sống chết với nghề, làm việc với cái tâm nghề trong sáng thì cam chịu được những suy nghĩ, những lời nói lệch lạc, chưa thực sự chia sẻ với những khó khăn, gian khổ của nghề. Tôi nhớ có những khách hàng nửa đùa nửa thật “xăng dầu các ông thì đút cò vào rút cò ra lấy tiền, sung sướng chứ vất vả nỗi gì” mà chợt thấy thương cho những người công nhân xăng dầu. Họ đâu có chứng kiến những công nhân nhiều ngày dài nóng nực, nhiều đêm trường mưa rét, khi đa phần mọi người trong chăn ấm gối êm, thì những người công nhân xăng dầu vẫn thức trực sẵn sàng phục vụ trong thời tiết khắc nghiệt của miền Trung.
Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành quản lý Trung ương và địa phương, khi đề ra các quyết sách sẽ hiểu cho ngành xăng dầu. Mỗi một người lao động của mình, hàng ngày hàng giờ, kể cả ngày nắng gió, đêm mưa rét bão bùng vẫn cung ứng những sản phẩm xăng dầu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, số lượng cho những chuyến xe xuôi ngược Bắc-Nam. Một cốc trà, một ly cà phê nóng, một nụ cười chia sẻ hàng đêm sẽ thay lời muốn nói của những người làm dịch vụ đối với khách hàng.
Những cái chung của Petrolimex là vậy, thế thì Petrolimex Quảng Trị riêng có gì nhỉ ?!. Ấy là thực hiện nhiệm vụ tại nơi không được thiên nhiên nhiên ưu đãi; Ấy là tình cảm thiêng liêng với các Anh hùng - Liệt sĩ ngã xuống và nằm lại trên mảnh đất Quảng Trị đã hun đúc lòng biết ơn, kết tinh tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết với nhiệm vụ mình đang làm. Lao động, học tập, kinh doanh trên “đất lửa anh hùng” có truyền thống cần cù, chịu thương, chịu khó nên người Petrolimex Quảng Trị cũng thấm đẫm truyền thống ấy.
Tôi nhớ anh Vương Thái Dũng, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, người đã dành tình cảm đặc biệt cho mảnh đất, con người Quảng Trị khi năm nào, dù xa xôi cũng có chuyến hành trình về để được kính cẩn tri ân, dâng nén tâm hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn; để theo như anh tâm niệm là một dịp thanh lọc tâm hồn, thấy mình sống có trách nhiệm hơn, tốt đẹp hơn. Anh cùng nhiều lãnh đạo đáng kính của Tập đoàn luôn trân quý tinh thần trách nhiệm, sống tình cảm, làm việc hết mình, tinh thần đoàn kết của tập thể người lao động Petrolimex Quảng Trị.
Và tôi nhớ anh Nguyễn Quang Kiên, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn tâm sự trong một chuyến đi Quảng Trị: “anh đi công tác các đơn vị trực thuộc nhiều lắm, nhưng xong việc chỉ có đi giao lưu, văn nghệ hát hò cho vui, xả stress, ít khi đi thăm thú phong cảnh các nơi”. Ấy vậy mà khi đến với Quảng Trị, đến với các Nghĩa trang Quốc gia trên mảnh đất này, chứng kiến mảnh đất, con người ở đây, anh đã có suy nghĩ khác. Anh là người tích cực nhất trong việctổ chức chung tay cung tiến đỉnh hương đồng và bàn thờ bằng đá quý dâng Đền thờ Liệt sỹ Trường Sơn-Bến Tắt, nơi thờ vọng hơn 20 nghìn liệt sỹ không tìm được mộ phần nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Tác giả bài viết được Chủ tịch HĐQT Petrolimex tặng hoa nhân dịp sinh nhật 01/8/2019
Nhiều lần được mời dự hội nghị người lao động hoặc đại hội công đoàn cơ sở các đơn vị bạn ngoài ngành xăng dầu, nhìn thống kê thu nhập của người lao động các đơn vị mà thương cho anh em mình khi thu nhập chưa bằng phân nửa. Nhưng người Petrolimex có thể nghèo tiền, nghèo bạc nhưng luôn giàu trách nhiệm và lòng nhân ái. Những người công nhân vẫn trích một phần từ thu nhập khiêm tốn của mình cho công tác đền ơn-đáp nghĩa, xã hội-từ thiện, an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn hoạn nạn.
Năm 2017, tôi được nhận Giải Khuyến khích của Tập đoàn vềviết tin bài đăng web với tác phẩm “Giám đốc cũng ra quân”. Mặc dù không được đi nhận trực tiếp giải thưởng do Lãnh đạo Tập đoàn trao, nhưng tôi tự hào khi “dân Toán” lại được tặng “giải Văn”. Nhưng rồi lòng bảo lòng, nếu không có chất liệu cuộc sống, không có chị Chủ tịch kiêm Giám đốc Hoàng Thị Hoa trực tiếp ra quân, chung sức cùng tập thể người lao động, cùng xông pha với công việc, đưa trực tiếp sản phẩm, dịch vụ đến với người tiêu dùng thì liệu mình có gì để viết. Lúc đó lại thấy tiếc rằng bút lực mình còn kém, góc nhìn của mình còn thiếu tinh tế để nhận biết hết, miêu tả hết những nét đẹp đời thường của những người lãnh đạo, những người công nhân xăng dầu đang ngày đêm vất vả, lăn lộn với thương trường.
Tôi nhớ năm 2003, khi Công ty đặt hàng một ca khúc về Công ty Xăng dầu Quảng Trị để làm bài hát tham gia Hội thi văn nghệ các đơn vị Petrolimex Miền Trung-Tây Nguyên diễn ra tại Nha Trang-Khánh Hòa; tôi không hiểu bằng cách nào mà nhạc sỹ Xuân Vũ (tác giả của ca khúc nổi tiếng: Mồ hôi đá) đã cảm nhận được nghề xăng dầu, con người xăng dầu mà cụ thể hóa những lời ca từ đời sống thực tế bước vào âm nhạc, mộc mạc nhưng có sự lay động lạ kỳ về những con người “...trong sương đêm nâng nhịp đời hồi sinh...”. Những lần sinh hoạt, hòa chung tiếng hát bằng ca khúc ấy, mọi người của Petrolimex và ngoài Petrolimex, từ lãnh đạo đến nhân viên đều nhanh chóng cảm thụ được ngay âm nhạc và lời ca để cùng cất cao tiếng hát không một chút ngập ngừng, vấp váp. Có lẽ như một vĩ nhân đã triết lý, cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim.
Lại nhớ những giai đoạn, ngày làm việc, đêm về thức để xây dựng chiến lược phát triển công ty cùng với những chị Hoa, anh Hùng, anh Tiếu... theo đặt hàng của sếp. Chúng tôi không phải là những con người của lý thuyết, nhưng đắm mình trong thực tiễn sinh động của ngành nghề nên cũng đã hoàn thành công việc khó khăn ấy, để có một cái nhìn rõ ràng hơn về tương lai của doanh nghiệp.
Nhớ ngày nào còn làm lương, làm kế toàn bằng máy tính tay, thì nay đã đã có hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp SAP-ERP, quản trị kinh doanh cửa hàng EGAS, văn phòng điện tử e-office. Mới ngày nào chỉ có vài cửa hàng, thì nay đã là hệ thống phân phối với 49 cửa hàng. Petrolinex Quảng Trị đang phát triển, đang lớn lên từng ngày với đóng góp là 10% thu ngân sách địa phương tỉnh Quảng Trị trong năm 2019. Thành quả này không thể ngày một ngày hai mà có được, mà là sự đơm hoa kết trái của một quá trình vun trồng qua nhiều thế hệ CBCNV suốt 30 năm qua.
Tháng 12/2019 mới đây, được Tập đoàn chọn là nơi tổ chức Khóa đào tạo về truyền thông cho toàn ngành, Petrolimex Quảng Trị vinh dự và vui mừng khi những người làm công tác truyền thông trẻ háo hức về miền đất chưa một lần đến nhưng thân thương như tựa đã đến lâu rồi. Tôi xúc động. Các bạn trẻ chia sẻ về chuyến đi mang đầy ý nghĩa, giúp cho mọi người hiểu được mảnh đất, con người Quảng Trị. Nhìn những quản trị viên facebook Petrolimex tràn đầy tâm huyết như anh Quang Sinh, anh Huỳnh Công Trạng ... với những bàn tay nắm thật chặt, với những dòng status chứa đựng nhiều cảm xúc, bỗng thấy quý giá tìm cảm Petrolimex mình: sống hết mình, làm việc hết mình, yêu hết mình. Và tôi chợt hiểu rằng, không hẳn danh lam thắng cảnh, mà chính những giá trị tinh thần kết tinh ở mảnh đất, con người Quảng Trị, con người Petrolimex Quảng Trị đã được lan tỏa tự bao giờ đến những đồng nghiệp Petrolimex khắp mọi miền Tổ quốc.
Đứng trên tầng cao công trình trụ sở Petrolimex Quảng Trị đang dần hoàn thiện, mở ra trước mắt cả khoảng trời xanh trong, nắng tỏa mây soi bóng lên “đất lửa” thật hữu tình. Trong hình ảnh ấy, tôi thấy được bóng dáng các thế hệ CBCNV-NLĐ Petrolimex Quảng Trị nỗ lực lao động, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà. Họ có quyền tự hào về những gì hôm nay Petrolimex Quảng Trị đang có, bởi chính họ bằng ý chí, nghị lực đã đặt những những viên gạch đầu tiên, nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ, nghĩa tình ngày nay và thế hệ trẻ vẫn đang kế thừa, tiếp bước phát huy.
Thành công và hạnh phúc là một hành trình chứ không chỉ là đích đến. Một mùa xuân nữa đang về trên khắp mọi miền Tổ quốc và Petrolimex Quảng Trị tròn 30 tuổi. Bỗng đâu đó trong tôi, lời bài hát “Bài ca Xăng dầu Quảng Trị” lại ùa về rộn rã: “.... Chúng tôi là công nhân xăng dầu Quảng Trị... chỉ một ước mơ... chỉ một ước mơ... mang nhịp sống cho đời...!”
Quảng Trị, ngày 10 tháng 01 năm 2020