Như bao ngày, vẫn trên chuyến xe rong ruổi trên khắp các nẻo đường trong tỉnh để phát triển khách hàng, chúng tôi kể cho nhau nghe những câu chuyện lượm lặt được về những “con người” nhằm giúp vơi bớt những mệt nhọc. Hôm đó, khi đi ngang qua một cửa hàng của Petrolimex Quảng Trị trên tuyến Quốc lộ 1, thấy dàn xe công-te-nơ nối đuôi nhau đổ dầu, sếp tôi bồi hồi kể về những khách hàng công-te-nơ đầu tiên của Công ty.
“Mấy đứa không biết đâu, hồi xưa công ty mình làm gì đã bán hàng cho mấy chiếc Tàu như bữa nay (ý chỉ những xe công-te-nơ trọng tải lớn vận tải hàng xuyên suốt tuyến Bắc Nam). Hồi đó có lần có một anh khách lạ lái xe công-te-nơ chở hàng đông lạnh ở Đà Nẵng ra tận biên giới Lạng Sơn, không may xe bị nổ lốp giữa đường. Vì chủ quan cầm ít tiền dự phòng nên sửa xe, thay lốp xong là hết sạch tiền làm lộ phí. Anh chạy vào cửa hàng Công ty mình xin đổ nợ 500 lít dầu để chạy chuyến hàng cho kịp giờ và hứa khi trở vào sẽ ghé cửa hàng trả tiền. Thực sự lúc đó 500 lít dầu có giá trị rất lớn, mà khách thì lạ hoắc lần đầu tiên gặp có biết đâu mà lần. Nhân viên ở cửa hàng đứa nào cũng sợ bị lừa, sợ đổ xong thì khách "chạy làng" luôn. Nhưng với trách nhiệm của một cửa hàng trưởng bao năm ròng rã trên mặt trận xăng dầu, chị L vẫn chấp nhận bỏ tiền ra cho khách đổ nợ để đi giao hàng đúng hẹn với đối tác.” Chị nói với các nhân viên của mình rằng: “Muốn cho khách hàng tin tưởng sản phẩm của chúng ta, tin tưởng doanh nghiệp của chúng ta thì trước hết chúng ta và doanh nghiệp phải đặt niềm tin vào khách hàng thì sau đó khách hàng mới đáp lại chúng ta bằng sự tin cậy tuyệt đối”. Thật đúng những gì chị đã nói. Vài hôm sau anh khách quay lại trả tiền nợ, anh ấy cảm ơn chị L, cảm ơn cửa hàng đã tin tưởng cho anh nợ, cảm ơn đã giúp anh kịp chuyến giao hàng cho khách. Và anh khách đó trở thành khách hàng thường xuyên của cửa hàng đến tận bây giờ. Anh còn giới thiệu nhiều tài xế của các nhà xe khác đến lấy hàng tại cửa hàng nữa. Nhân viên cửa hàng ai cũng phấn khởi vì vừa lấy được nợ vừa có thêm khách hàng mới mà là khách hàng lớn nữa chứ. “Từ đó các cửa hàng Công ty trên tuyến Quốc lộ 1 mình mới bán cho mấy chiếc “tàu” vận tải đường dài được nhiều đấy”.
Đang kể chuyện như vậy bỗng nhiên sếp tôi bật cười: “Bây biết cái Th không? Mỗi lần nghĩ lại là chị vẫn thấy buồn cười. Cái chuyện tuy nó hơi tế nhị nhưng cũng phải kể cho nghe để hiểu anh em vất vả như thế nào. Thật ra thì anh em ở cửa hàng đâu chỉ có bán hàng!? Một lần mà mấy xe khách tốc hành dừng đỗ ấy, khách xuống rất là nhiều. Mặc dù cái nhà vệ sinh của mình cũng nhiều phòng không kém nhưng có nhiều vị khách ý thức không được tốt hay “đại tiện” lung tung hết cả lên, khi thì giữa nhà tắm, khi thì ở thau giặt đồ và cá biệt là ngay chỗ cửa phòng máy phát điện của cửa hàng. Những lúc như thế, anh em lại phải thay phiên nhau hì hục xúc cát đổ lên để dọn. Hốt dọn xong lại xịt nước, cọ rửa lau chùi. Nhưng mà tội nhất là cái Th, lúc nào làm xong cái việc dọn dẹp vệ sinh này là mặt mũi phờ phạc và y như rằng không ăn uống được gì, cứ ngồi thần mặt ra một góc như là tự kỷ. Nói ra thì việc này đối với Th vất vả gấp trăm lần các công việc khác. Vậy mấy đứa nghĩ xem vì sao Th phải như vậy? Thì đơn giản là vì trách nhiệm của bản thân, trách nhiệm với công việc và Công ty mà thôi”.
Tranh thủ tự sướng một tí
Khi nghe kể về những chiếc công-ten-nơ đầu tiên của Công ty, chúng tôi lại nhớ đến anh T- một người mà chúng tôi vẫn hay gọi là google Công-te-nơ bởi vì hỏi lái xe nào anh cũng biết, mà hỏi anh thì lái xe nào cũng biết - có lẽ vì sự vui vẻ và nhiệt tình của anh. Vài năm về trước, vào buổi chiều trời se lạnh, lúc đấy cũng chạng vạng rồi, đang bon bon trên xe về nhà thì T nhìn thấy chiếc xe Công-te-nơ đang hỏng đậu giữa đường. Thấy biển số quen quen, anh chắc mẩm đó là khách hàng hay lấy dầu của mình, T tiến lại “ngó” một cái thì đúng là anh khách quen mặt mũi lem luốc đang loay hoay sửa xe. Hỏi thăm tình hình khách xong, T chạy đi mua mấy hộp cơm. Biết là khách lao động nặng, T mua liền 4 hộp cho 2 người ăn cho lại sức rồi làm tiếp. Hôm sau, khách đến cửa hàng đổ dầu, gọi T lại để trả tiền cơm nhưng nhất định T không lấy.Khách bảo “làm công nhân thì tiền đâu ra mà mời khách thế này”. T chỉ khoát tay vui vẻ cười hề hề “có gì đâu anh, hộp cơm thôi mà”, rồi thoăn thoắt làm việc. Đối với khách hàng, anh em công nhân chúng tôi có toan tính gì đâu, anh em lúc nào cũng vô tư, lạc quan như vậy đó. Mà cũng hay lắm, chính sự vô tư, lạc quan đó đã se duyên cho T với người vợ của mình bây giờ. Ở cửa hàng của T, sau khi tan ca làm, cứ một tuần 1 lần, nhân viên ở cửa hàng tổ chức đi tìm kiếm khách hàng của hàng hóa khác ngoài xăng dầu (dầu mỡ nhờn, gas, nước giặt, bảo hiểm) để tăng sản lượng cho cửa hàng và đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh mà công ty giao. Một lần, sau ca trực đêm, khách đông phải hỗ trợ nhau không được ngủ, T lại tiếp tục cùng mấy anh em trong ca đi bán hàng tại một xã miền núi của huyện Gio Linh. Khi đi đến ngã ba của làng thì quá buồn ngủ mà lúc đó lại giữa đồng vắng không một bóng người. Phát hiện ra có bụi tre gần đó, mọi người dừng xe dưới bóng tre, người nằm trên yên xe, người trải áo mưa nằm dưới đất, ngủ một giấc ngon lành để “tút” lại tinh thần làm nhiệm vụ. Kết quả ngày hôm đó, mặc dù rất mệt sau ca trực, nhưng bằng sự nhiệt huyết, cái máu của tuổi thanh niên không ngại khó, ngại khổ, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên mà số lượng hàng hóa bán ra đạt sản lượng đáng kể. Và đặc biệt ngày định mệnh ấy, T đã tìm thấy một nửa của đời mình, người mà T đã nhiều năm đi tìm cho đến khi ngót nghét 29 thanh xuân.
Những nụ cười tỏa nắng của Người Petrolimex Quảng Trị
Trên đây trên là những câu chuyện nhỏ trong vô vàn câu chuyện chúng tôi lượm lặt được về một người ?! Người đã mang đến cho khách hàng sự tin cậy, người luôn mang sự lạc quan để lan tỏa đến mọi người, người đã đem cả lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm để cống hiến cho công việc – đó là người công nhân Xăng Dầu Quảng Trị. 30 năm là thời gian chưa phải dài đối với Công ty nhưng cũng không ngắn đối với một con người. “Con người” luôn là nguồn lực chính trong sự hình thành và phát triển của Công ty Xăng dầu Quảng Trị. Chúng tôi, những thế hệ trẻ của Công ty Xăng dầu Quảng Trị sẽ kế thừa, giữ gìn văn hóa đó trường tồn mãi với thời gian !