“O bé ơi, xuống ăn cơm thôi”, tiếng gọi của bác bảo vệ làm tôi giật mình. Tôi bất giác đưa tay xuống bụng mới phát hiện dạ dày đang réo lên inh ỏi, nhìn đồng hồ thì cũng đã gần 7 giờ tối. “Thôi thì xuống làm chén cơm cho ấm bụng, có thực mới vực được đạo chứ”. Suy nghĩ như vậy, tôi vội gác lại bản báo cáo cuối năm chưa hoàn thành, hí hửng theo chân bác bảo vệ chạy xuống góc bếp cầu thang quen thuộc. Tôi- nhân viên mới của Công ty Xăng dầu Quảng Trị, khá quen và rất thích thú với những bữa cơm đạm bạc đầy bất ngờ của bác bảo vệ.
Giống như các đơn vị thành viên khác, Petrolimex Quảng Trị cũng có 2 bộ phận là khối văn phòng và khối cửa hàng, bộ phận văn phòng làm theo giờ hành chính, khối cửa hàng làm việc theo ca. Anh em văn phòng chúng tôi mỗi người một nơi, người thì đi làm cách vài cây số, nhưng có người thì phải đi đến mấy chục cây. Vì thế, người ăn cơm nhà, người ăn cơm hàng nhưng chúng tôi thật may mắn vì có bác bảo vệ, người mà chúng tôi thường gọi là anh nuôi chung bởi chính bác là vị cứu tinh, cứu rỗi cho những chiếc bụng đói meo của chúng tôi mỗi khi làm việc quá giờ, cơm hàng hết bán. Bác bảo vệ công ty tôi cũng là công nhân xăng dầu đã nghỉ hưu, nhưng còn sức khỏe nên vẫn tiếp tục gắn bó với công ty bằng vai trò khác. Thế nên bác với chúng tôi rất thân thiết, gần gũi, quan tâm anh em chúng tôi bằng những cách riêng nhất của mình. Và tất nhiên, những bữa cơm giản dị cùng bác vào lúc tăng ca luôn làm chúng tôi cảm thấy hạnh phúc.
Vậy đấy, hạnh phúc không phải là cái gì quá xa vời mà đôi lúc chỉ là những điều nhỏ nhặt và bình dị trong cuộc sống hàng ngày.Với chúng tôi, những người công nhân Xăng dầu Quảng Trị, hạnh phúc nhiều khi chỉ đơn giản là những bữa cơm thay phiên nhau vội vàng đầy ắp tiếng cười ở cửa hàng, hay những bữa ăn cứu đói của bác bảo vệ. Có lần khi tôi đi làm việc trực tiếp ở cửa hàng, cùng anh em ăn cơm trưa thì một nhân viên thủ thỉ với tôi rằng: “Chị ơi, tụi em được ngủ với chồng có nửa đời thôi chị nờ”. Tôi ngạc nhiên hỏi “vì răng rứa em?”. Cô bé cười giòn tan, trả lời chân thật “thì bọn em trực đêm, đêm trực đêm nghỉ mà chị”. Lúc đó tôi mới ngẫm lại: Ừ, quả đúng thật! Công nhân xăng dầu chúng tôi làm việc theo ca bán hàng, mỗi ca sẽ bắt đầu từ sáng hôm nay đến sáng hôm sau. Vì vậy, cửa hàng không chỉ là nơi làm việc mà đó còn là nơi mọi người cùng sinh hoạt, gắn bó với nhau. Chúng tôi phân công công việc cho nhau một cách khoa học, đảm bảo mọi người đều chung công sức lao động, khi nào khách đông vào giờ cao điểm thì ưu tiên việc bán hàng, tất cả nhân viên trong cửa hàng sẽ tập trung phục vụ nhu cầu của khách. Đến lúc vãn khách thì chúng tôi phân công người trực bán hàng, người làm vệ sinh, dọn dẹp cửa hàng và lo cơm nước cho mọi người. Thường thì người được chọn nấu ăn sẽ là chị em phụ nữ để có những việc khác vất vả hơn sẽ giành cho cánh đàn ông. Bữa cơm của chúng tôi không quá cầu kì, chỉ là những món ăn đơn giản, đáp ứng đủ 3 điều kiện đó là phải đảm bảo dinh dưỡng, chế biến nhanh và sử dụng nhanh, bởi thời gian còn dành để bán hàng. Công nhân bán hàng không có nhiều thời gian ăn cơm và ăn thay phiên nhau, nhiều lúc chỉ mới cầm bát lên gắp một miếng thịt lại phải bỏ bát xuống vì đông khách, phải hỗ trợ cho đồng nghiệp, khi khách vãn đi bớt thì cơm canh đã nguội rồi. Nhưng bữa cơm của chúng tôi vẫn đầy ý nghĩa,đầy ắp tiếng cười, ấm cúng bên nhau và cảm thông, chia sẻ cho nhau hơn. Cùng nhau hàn huyên về công việc, về cuộc sống, có người còn pha trò để quên đi những giọt mồ hôi mệt nhọc. Thỉnh thoảng, cửa hàng lại có những vị khách bất ngờvào giờ cơm.Trong nội thành, nội thị, quán xá nhiều và thuận lợi thì không sao, nhưng các cửa hàng ở trên tuyến quốc lộ, tuyến tránh đô thị thì lại có ít quán ăn, khách hàng chỉ biết ngồi chờ bơm hàng xong rồi mới tìm quán. Những lúc như thế chúng tôi không ai bảo ai mà tự giác chuẩn bị thêm phần cơm cho những vị khách ấy để rồi bữa ăn cùng khách chính là khoảng thời gian gần gũi giữa công nhân Xăng dầu Quảng Trị và khách hàng, đưa chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Những bữa ăn vừa ấm bụng vừa ấm lòng đó đã giúp anh em phần nào thấu hiểu khách hàng của mình và nhận được những thiện cảm từ khách.
Bữa ăn vội của lãnh đạo Công ty với thanh niên vào ngày hội bán hàng
Đặc biệt, vào những đêm giao thừa, có vài vị khách không kịp chuyến xe hàng để về nhà ăn tết, chúng tôi liền mời họ ở lại cửa hàng, đón giao thừa cùng chúng tôi. Thời điểm mà tất cả mọi người đều quây quần để đón chào năm mới thì chúng tôi và những bác tài, mỗi người ai cũng có một gia đình riêng nhưng ngay lúc đó lại quây quần bên một mâm cơm nhỏ, cùng đón giao thừa và không khí không khác gì một gia đình thật sự. Mâm cơm đó là chính là chất xúc tác khiến những người xa lạ bỗng trở nên gần gũi lạ thường,cùng chúc nhau những lời chúc đầu năm bình an, tốt lành, cùng nâng ly chào đón năm mới. Thời khắc giao thừa thiêng liêng đã làm cho mối quan hệ giữa người bán và người mua không còn bị giới hạn chỉ là những đối tác làm ăn mà đã trở thành bạn bè, bằng hữu thậm chí là tình thân. Bởi lẽ công nhân xăng dầu chúng tôi không những ý thức rằng khách hàng là thượng đế, ngoài phục vụ cho họ những sản phẩm chất lượng ra chúng tôi còn luôn xem những vị khách của mình là người thân, cố gắng tạo chọ khách hàng cảm giác thật sự thoải mái khi đến với dịch vụ của mình.
Vậy đấy, Công nhân Xăng dầu Quảng Trị ngoài gia đình nhỏ của mình, còn có một gia đình lớn hơn, đó là mái nhà chung Petrolimex Quảng Trị. Ở đó, chúng tôi dành một nửa thời gian cuộc đời của mình sống và làm việc cùng nhau, cùng nhau chung sức, cống hiến góp phần đưa Công ty ngày một lớn mạnh đi lên, rồi cùng nhau ăn những bữa cơm sau những giờ lao động miệt mài. Tôi gọi những bữa cơm đó là “bữa cơm gia đình” bởi lẽ tôi đặc biệt trân quý khoảnh khắc ấy. Cái tình chúng tôi đối với nhau giờ đây không còn là tình đồng nghiệp, tình bạn nữa mà đó là tình thân của những người trong gia đình, một gia đình đã có 30 năm hình thành và phát triển- Gia đình Petrolimex Quảng Trị.
Quảng Trị, tháng 01 năm 2020